CẢNH BÁO NGỘ ĐỘC, TAN MÁU CẤP, SUY GAN, SUY THẬN DO ĂN LÁ DU MẠI

Tối ngày 06/5/2022, Khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực và chống độc tiếp nhận người bệnh P.T.B, 53 tuổi đến cấp cứu trong tình trạng mệt mỏi, vàng da, củng mạc mắt rất vàng, ngày nay sốt nhẹ, đau bụng, đi ngoài và đi tiểu ra máu đỏ tươi. Kết quả xét nghiệm cho thấy số lượng hồng cầu chỉ còn 2,12×10^12/L, giảm 1 nửa so với người bình thường (Số lượng hồng cầu bình thường ở nam 4,2-5,4×10^12/L, ở nữ 4,0-4,9×10^12/L). Điều tra bệnh sử trước đó, ngày 03/5/2022 bà B có ăn lá du mại xào, sau ăn có đi ngoài và tự sử dụng thuốc Becberin tại nhà. Bác sỹ chẩn đoán sơ bộ người bệnh bị thiếu máu nặng, tan máu cấp (thường gặp sau ngộ độc) mà nguyên nhân đầu bảng là sau ăn lá du mại.

Ngay lập tức người bệnh được xử trí cấp cứu truyền 03 đơn vị hồng cầu nhóm máu O, đồng thời bù dịch, điện giải và thải độc. Từ ngày 6/5-9/5, tình trạng người bệnh tiếp tục diễn biến nặng, tan máu kèm theo suy thận, suy gan đã được các bác sỹ đã điều trị tích cực với phác đồ chống suy gan, thận. Ngày 10/5 người bệnh tiếp tục được truyền 02 đơn vị máu bù để lại lượng hồng cầu đã bị mất. Sau 5 ngày điều trị, trình trạng người bệnh đã ổn định, hết đau bụng, nước tiểu trong, da hồng hào, chỉ số chức năng gan, thận về mức bình thường.

Người bệnh tan máu cấp, vàng da, củng mạc mắt rất vàng, được xử trí cấp cứu truyền máu.

Theo ghi nhận của khoa Khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực và chống độc, trung bình mỗi năm tiếp nhận 12-15 lượt người bệnh ngộ độc do sử dụng lá cây rừng, trường hợp bệnh nhân P.T.B  là một trong những ca ngộ độc lá du mại có diễn biến nặng trước khi đưa đến bệnh viện cấp cứu kể từ trước đến nay. Người bệnh B đã bị mất hơn 1 nửa lượng máu trong cơ thể, phải truyền tới 5 đơn vị máu, tương đương 1.550ml.  Bệnh nhân mất máu cấp dễ dẫn đến các biến chứng như sốc do mất máu, suy thận, suy gan, suy tim, suy đa tạng, nặng nhất có thể tử vong nếu không điều trị kịp thời.

Lá cây du mại, thường mọc ở vùng núi các tỉnh Hòa Bình, Yên Bái, Phú Thọ.

Du mại là một loại cây rừng có nhiều ở một số huyện miền núi tỉnh Hòa Bình, Yên Bái, Phú Thọ. Lá cây giống lá thuốc lào, có vị chua chát, dìu dịu. Thường được người dân sử dụng làm rau ghém, băm nhỏ làm gia vị nhồi thịt chó, gói sườn chó, nhồi lòng, làm món rau đồ hoặc đun nước uống, thậm chí ăn sống để chữa táo bón, tiêu chảy.

Qua đây, bác sỹ CKI. Phạm Minh Đức, Phó khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực và Chống độc khuyến cáo: Người dân không nên ăn lá cây du mại nói riêng và lá cây rừng, những thực phẩm không rõ nguồn gốc hoặc chưa được kiểm chứng nói chung để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra. Hiện nay cơ chế gây ra tan máu do lá Du mại vẫn chưa được hiểu rõ ,trong lâm sàng một số trường hợp bệnh nhân thiếu men tên gọi G6DP có trong hồng cầu thì nguy cơ xảy ra tan máu do lá Du mại là rất cao. Ngoài ăn lá du mại, việc uống một số loại thuốc hạ sốt, giảm đau không theo chỉ định cũng dễ dẫn đến nguy cơ gây tan máu.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

02106589589