ĐIỀU TRỊ THÀNH CÔNG CHO NGƯỜI BỆNH 19 TUỔI BỊ TIÊU CƠ VÂN

Tiêu cơ vân là tổn thương phá hủy các tế bào cơ vân, giải phóng các chất là thành phần của tế bào cơ vân vào trong máu như:  kali, acid uric, myoglobin, acid lactic, các enzym: CK (creatine kinase), AST, ALT.

Bệnh tiêu cơ vân nặng có thể gây suy thận cấp, toan chuyển hóa, tăng kali,shock nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Hội chứng tiêu cơ vân không được điều trị kịp thời sẽ gây tử vong do suy thận cấp

Ngày 11/8/2022, Trung tâm Y tế huyện Yên Lập tiếp nhận người bệnh L.Q.Đ, 19 tuổi, ở xã Hưng Long, huyện Yên Lập trong tình trạng sốt nóng từng cơn, mệt mỏi, ăn uống kém, tê mỏi, co rút chân tay, đau nhức bắp chân. Người bệnh cho biết đã bị bệnh hơn một tuần nay, đã khám tại bệnh viện tư ở Hà Nội nhưng không được chẩn đoán bệnh, về tự mua thuốc uống nhưng không đỡ. Trước đó nửa tháng, qua tìm hiểu trên mạng, em Đ đã mua thuốc dạng lá cây được quảng cáo có tác dụng giảm cân, điều hòa mỡ máu về đun uống, sau uống có hiện tượng chóng mặt.

Người bệnh đến Trung tâm trong tình trạng sốt nóng từng cơn, mệt mỏi, ăn uống kém, tê mỏi, co rút chân tay, đau nhức bắp chân.

Sau tiếp nhận và thăm khám lâm sàng, người bệnh được chỉ định làm xét nghiệm, kết quả sinh hóa máu cho thấy tình trạng thiếu Calci và hoạt độ CK (Creatine kinase) là 4115U/L, tăng gấp hơn 20 lần so với bình thường. Qua đó, bác sỹ chẩn đoán em Đ bị hội chứng tiêu cơ vân cấp, kèm theo rối loạn điện giải.

Tại khoa Nội Nhi, các bác sỹ tiến hành hội chẩn, điều trị tích cực truyền dịch đẳng trương, thuốc lợi tiểu quai, điều chỉnh điện giải, đồng thời theo dõi Kali, Calci máu 2 lần/ngày, theo dõi nước tiểu hàng ngày. Sau 3 ngày điều trị, hoạt độ CK (Creatine kinase) giảm còn 530U/L, đỡ đau nhức tay chân, không còn sốt. Sau 7 ngày điều trị, các chỉ số xét nghiệm của Đ đã về mức an toàn, đi lại, vận động dễ dàng và đã được xuất viện.

Sau 7 ngày điều trị, các chỉ số xét nghiệm của Đ đã về mức an toàn, đi lại, vận động dễ dàng và đã được xuất viện

Theo bác sỹ Chuyên khoa I Hoàng Mạnh Nhất – Trưởng khoa Nội Nhi, hội chứng tiêu cơ vân gặp trong các trường hợp như:

– Nguyên nhân ngoại khoa: chấn thương nặng, hội chứng vùi lấp, điện giật, bỏng nhiệt nặng…

– Nguyên nhân nội khoa:

+ Ngộ độc (rượu, thuốc an thần . Strychnine, rimifon và các chất gây co giật khác ,thuốc ngủ, …).

+ Do thuốc: các thuốc nhóm Statin, Cocain, Heroin, các ma túy tổng hợp.

+ Hôn mê hoặc bất động lâu (tai biến mạch máu não..).

+ Co giật toàn thân nặng và kéo dài hoặc vận động cơ quá mức.

+ Nọc độc:  Rắn cắn, ong đốt, …

+ Một số loại nhiễm trùng: uốn ván, vi khuẩn, virus.

+ Thiếu máu cục bộ cấp tính: tắc động mạch cấp tính do chèn ép, do hơi, do cục máu đông sau các kỹ thuật xâm lấn mạch máu

– Một số trường hợp khác: tăng, hoặc hạ thân nhiệt kéo dài, giảm kali máu, giảm Natri máu, nhiễn toan xêtôn, hôn mê tăng thẩm thấu, viêm da-cơ, suy giáp, thiếu một số men chuyển hóa….

Hội chứng tiêu cơ vân gây nên các biến chứng nặng nề như rối loạn nước (do nước tích tụ trong cơ), có thể dẫn đến sốc do giảm thể tích trong lòng mạch, và hội chứng khoang, rối loạn  điện giải (hạ Natri, Can xi , tăng Kali, Phospho). Toan chuyển hóa, đông máu rải rác trong lòng mạch (DIC), suy thận cấp, suy đa tạng. Trường hợp người bệnh Đ tương đối may mắn vì được phát hiện và điều trị kịp thời, chưa dẫn đến các biến chứng nặng như suy thận, suy đa tạng, Đông máu rải rác trong lòng mạch (DIC).

Các bác sỹ cũng khuyến cáo người dân tuyệt đối không được tự ý sử dụng các thuốc, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, thành phần. Bên cạnh đó, khi thấy các dấu hiệu bất thường về sức khỏe như đau cơ, nước tiểu màu đỏ nâu hoặc nâu đen, sốt, nôn, nhịp tim nhanh, đau bụng,…cần đến ngay cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

02106589589