Đột quỵ ngày càng trẻ hóa

Theo Hội Đột quỵ Việt Nam, hàng năm tại Việt Nam, đột quỵ khiến hơn 200.000 trường hợp mắc mới, trong đó gần 11.000 người chết và để lại nhiều dị tật cho số còn lại.
Theo thống kê, cứ 45 giây, thế giới có 1 người bị đột quỵ và 3 phút có 1 ca chết do đột quỵ. Đột quỵ đang ảnh hưởng đến khoảng 20% dân số thế giới…

Tại sao đột quỵ não càng ngày càng trẻ hóa?

Đột quỵ, trước đây gặp chủ yếu ở người cao niên, nhưng ngày nay đã có xu hướng trẻ hóa. Bởi vì bệnh tăng huyết áp ngày càng trẻ hóa, trong khi đó tăng huyết áp là nguyên nhân hàng đầu gây đột quỵ. Bên cạnh đó, do đời sống của người dân ngày càng được nâng cao nên việc sử dụng rượu, bia ở giới trẻ ngày một nhiều, ăn nhậu ngày càng phổ biến. Ăn nhậu ngoài quá chén rượu, bia, các món nhậu có nguy cơ làm gia tăng mỡ máu (phủ tạng động vật, lòng động vật, da gà vịt…) cũng song hành. Mỡ máu tăng lâu dần sẽ có nguy cơ xơ vữa động mạch và tăng huyết áp. Trong khi đó, áp lực công việc của giới trẻ gia tăng, thời gian để vận động cơ thể thiếu hoặc không có hoặc lười vận động dễ gây béo phì, thừa cân… Tất cả các yếu tố đó đều có nguy cơ làm gia tăng bệnh tăng huyết áp, bệnh tim mạch… và sự gia tăng đột quỵ khó tránh khỏi.

Triệu chứng của đột quỵ não

Thể nhẹ: khi thiếu máu não khẩn cấp, người bệnh có thể bị rối loạn cảm xúc đau đầu dữ dội (chiếm 50%), chóng mặt, ù tai choáng váng hoặc ngất xỉu. Chân tay run, không đứng vững, không cầm được đồ vật dù là rất gọn, nhẹ. Thỉnh thoảng đang nói chuyện bỗng dưng mất kiểm soát không nói được, mắt mờ, suy giảm trí nhớ (hay quên hoặc quên hoàn toàn) và mất ngủ ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt của người bệnh.

Thể nặng: sẽ bị liệt nửa người  bên trái hoặc bên phải (giảm hoặc mất vận động ở 1 nửa bên thân trái hoặc bên phải), đồng thời xuất hiện liệt nửa mặt (liệt cùng bên hoặc khác bên so với liệt nửa thân, các nếp nhăn bên liệt mờ hơn bên lành, dễ chảy nước dãi ở bên liệt, nhân trung lệch), nói ngọng hoặc không nói được. Người bệnh nuốt khó, hay bị sặc, thậm chí tụt lưỡi nhưng có thể tăng phản xạ (giảm hoặc tăng phản xạ gân xương ở bên liệt). Trong trường hợp nặng, nếu không cấp cứu kịp thời có thể tử vong trong vòng 48h.

Tranh thủ… “giờ vàng”

Trong đột quỵ, tuổi tác là yếu tố quan trọng, thường gặp ở người trung niên và người cao tuổi, đặc biệt người lao động trí óc với cường độ cao. Tiếp đến thường gặp ở người có bệnh lý về hệ tim mạch (cao huyết áp, mỡ máu cao, đái tháo đường, hút thuốc, lười vận động, béo phì, stress, bia rượu…).

Để phòng ngừa đột quỵ, các chuyên gia khuyến cáo làm giảm các yếu tố nguy cơ bằng cách điều trị dứt điểm các bệnh lý cao huyết áp, béo phì, tiểu đường, bệnh tim mạch, bỏ hút thuốc lá, giảm stress… và khám sức khỏe định kỳ mỗi 3 đến 6 tháng. Trong trường hợp đã có tiền sử đột quỵ hoặc nguy cơ cao, các chuyên gia khuyến cáo cần nhận biết sớm các dấu hiệu đột quỵ như đột ngột yếu, tê hay liệt mặt, tay hoặc chân (đặc biệt ở một bên của cơ thể); không nói được hoặc khó khăn trong nói hay hiểu ngôn ngữ; đột ngột mất thị lực, đặc biệt chỉ ở một mắt; nhức đầu dữ dội mà không có nguyên nhân rõ ràng…

Qua tổng kết của Trung tâm Y tế huyện Yên Lập, cũng như một số bệnh viện khác, rất nhiều bệnh nhân bị đột quỵ nhưng người nhà coi đó là biểu hiện của bệnh khác, như trúng gió, lên cơn đau tim, hạ đường huyết và tự chữa như cạo gió, châm cứu mà bỏ qua việc cấp cứu trong thời gian đầu. Do đó, các chuyên gia y tế cảnh báo, nếu nhận thấy các dấu hiệu triệu chứng của đột quỵ nêu trên thì cần đi khám để phòng ngừa. Đột quỵ có thể chữa trị nếu người nhà bệnh nhân biết xử trí đúng, sớm đưa bệnh nhân đi cấp cứu trong vòng 3 giờ đồng hồ khi tai biến.

“Thông thường 3 giờ đầu tiên khi bệnh nhân đột quỵ là “thời gian vàng”, vì khi đó các dấu hiệu của bệnh vừa mới xuất hiện. Trong giai đoạn này, cứ một phút trôi đi sẽ có 2 triệu tế bào thần kinh chết dần. Sau 3 giờ, nơi vùng não xảy ra tai biến và mô não cận kề vùng tai biến sẽ bị hư hại khó phục hồi”, BS Trần Chí Cường khuyến cáo.

Sử dụng thuốc tiêu sợi huyết trong điều trị đột quỵ

Thuốc tiêu sợi huyết rTPA (Alteplase) có vai trò tái thông mạch máu làm giảm tỉ lệ tàn tật và tăng khả năng phục hồi vận động của bệnh nhân sau đột quỵ não. Để đạt tác dụng, người bệnh cần được điều trị thuốc tiêu sợi huyết trong vòng 3h kể từ thời điểm xuất hiện triệu chứng. Do đó người bệnh cần được đưa đến bệnh viện càng sớm càng tốt.

Tỉ lệ người bệnh không bị tàn phế, hoặc liệt vận động mức tối thiểu tăng thêm hơn 30% nếu được điều trị sớm với thuốc tiêu sợi huyết trong 3h đầu sau khi xuất hiện triệu chứng. 13% người bệnh có thể phục hồi chức năng sau ba tháng. Cứ 3 bệnh nhân điều trị trong “thời gian vàng” sẽ có 1 bệnh nhân đạt kết quả tốt hơn so với không được điều trị kịp thời. Ngoài ra cứ 8 bệnh nhân sẽ có một người bệnh có thể trở về cuộc sống bình thường.

Từ đầu năm 2022, Khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực & Chống độc, Trung tâm Y tế huyện Yên Lập đã được chuyển giao và làm chủ kỹ thuật điều trị tiêu huyết khối trong nhồi máu não cấp bằng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch để có thể phục vụ cho nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện, đến nay sau 6 tháng triển khai và ứng dụng thực tiễn trong lâm sàng, đã có hàng chục ca được tiêu sợi huyết thành công với tỷ lệ cao, tỷ lệ biến chứng chảy máu não chỉ <5%, các trường hợp biến chứng đều được theo dõi sát và xử trí kịp thời, khả năng hồi phục cao, trở về với cuộc sống thường ngày, góp phần mang lại niềm vui cho nhiều gia đình và giảm gánh nặng tàn phế cho cộng đồng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

02106589589