Mặc dù đã có nhiều cảnh báo về tai nạn đuối nước ở trẻ em nhưng tình trạng này vẫn liên tục xảy ra trong thời gian gần đây. Chỉ tính riêng trong tháng 5 và tháng 6 năm 2023, tại Khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực và Chống độc, Trung tâm Y tế huyện Yên Lập đã liên tục tiếp nhận điều trị cho 06 trẻ đuối nước. Các trẻ đều vào viện trong tình trạng suy hô hấp, tổn thương phổi nặng, thậm chí có trẻ đã tử vong, chỉ có duy nhất có 01 trẻ được sơ cứu đúng cách nên sau khi điều trị đã hồi phục hoàn toàn.
Chiều ngày 05/6, Trung tâm Y tế huyện Yên Lập tiếp nhận trẻ nam (10 tuổi, Thị trấn Yên Lập) bị đuối nước được người nhà và mọi người xung quanh phát hiện và đưa lên bờ trong tình trạng đã ngừng tuần hoàn, tím tái. Rất may, tình cờ tại thời điểm có người có chuyên môn về y tế ở hiện trường, trẻ được tiến hành sơ cấp cứu ngừng tuần hoàn tại chỗ (ép tim, thổi ngạt), 2 phút sau trẻ có mạch trở lại. 18h15 trẻ được bế lên xe oto riêng của gia đình và đưa tới Trung tâm Y tế huyện Yên Lập nhập viện lúc 18h22. Khi nhập viện, trẻ tiếp tục ngừng tuần hoàn, được các y bác sỹ cấp cứu ngừng tuần hoàn (ép tim, bóp bóng, vận mạch). 18h25 trẻ có mạch trở lại, được kíp cấp cứu đặt ống nội khí quản, duy trì adrenalin tĩnh mạch, thở máy xâm nhập. 18h30 trẻ được chuyển đi Bệnh viện Sản Nhi Phú Thọ, sau đó, trẻ được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương. Sau 01 ngày, trẻ được cai máy thở, rút ống nội khí quản, tỉnh táo hoàn toàn, được xuất viện sau 05 ngày điều trị.
Theo BS CKI Phạm Minh Đức, Phó Trưởng khoa Cấp cứu, Hồi sức tích cực và Chống độc, Trung tâm Y tế huyện Yên Lập, việc sơ cấp cứu trẻ bị ngạt nước, đuối nước đúng kỹ thuật cực kỳ quan trọng, quyết định sự sống còn của nạn nhân, bên cạnh đó đuối nước có thể xảy ra ở bất cứ đâu như giếng nước, ao, hồ, mương, máng, sông, ngòi, hố nước của các công trình đặc biệt ngay cả trong các bể bơi công cộng, nơi có nhiều người tập trung nhưng nếu không được chú ý đến và cấp cứu trong thời điểm vàng (khoảng 4 phút đầu tiên tính từ khi nạn nhân bị ngừng thở) thì hoàn toàn có thể để lại hậu quả nghiêm trọng, thậm trí là tử vong.
Theo đó, các bước sơ cấp cứu đúng khi trẻ bị đuối nước đó là:
– Bước 1: Gọi người giúp đỡ và nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi mặt nước bằng mọi cách.
– Bước 2: Đặt trẻ nằm nơi khô ráo, thoáng khí, trên mặt phẳng cứng. Kiểm tra xem nạn nhân có bị chấn thương cột sống cổ hay không. Nếu có, nhanh chóng cố định cổ cho trẻ bằng túi cát,… và tiến hành khai thông đường thở cho trẻ
– Bước 3: Nếu trẻ bất tỉnh, hãy kiểm tra xem trẻ còn thở không bằng cách quan sát lồng ngực có di động hay không, từ đó có những biện pháp sơ cứu cần thiết như hô hấp nhân tạo, ép tim ngoài lồng ngực…
– Bước 4: Sau khi nạn nhân tỉnh cần đặt nạn nhân ở tư thế nằm nghiêng, kê cao gối hai bên vai, nới rộng quần áo để phòng tránh trẻ bị ngạt thở trở lại.
– Bước 5: Lau khô người, thay quần áo và ủ ấm bé sau đó nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để các bác sĩ xử lý các bước tiếp theo. Trên đường đi người nhà cần chú ý theo dõi hô hấp, tuần hoàn của trẻ. Tốt nhất là có sự trợ giúp vận chuyển của nhân viên y tế.