Cơ quan đường tiết niệu gồm có: thận, niệu quản, bàng quang (bọng đái) và niệu đạo. Khi sỏi xuất hiện tại bất kỳ vị trí nào của hệ tiết niệu nghĩa là đã mắc sỏi tiết niệu. Như vậy sỏi tiết niệu bao gồm sỏi thận, sỏi niệu quản, sỏi bàng quang và sỏi niệu đạo.
Sỏi tiết niệu là bệnh khá phổ biến trong cộng đồng, bệnh gây ra nhiều biến chứng nguy hại như:
- Sỏi di chuyển, cọ xát vào niêm mạc đường niệu gây phù nề, chảy máu, là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập, gây viêm đường tiết niệu.
- Sỏi kẹt lại ở vị trí hẹp, gây bí đái cấp hoặc mạn.
– Chức năng thận có thể bị suy giảm, dẫn đến tình trạng suy thận cấp hoặc mạn tính.
- Nếu sỏi đường tiết niệu nhỏ, có kích thước dưới 4mm thì 90% có thể tự thải ra bằng đường tự nhiên khi bệnh nhân uống nhiều nước. Nếu sỏi từ 4mm – 6mm thì khả năng ra ngoài theo đường tiểu thấp. Một số trường hợp sỏi nhỏ nhưng không thể ra được do đường tiết niệu bị hẹp.
– Tỷ lệ ra bằng đường tự nhiên đối với kích thước sỏi trên 6mm thấp. Đặc biệt với sỏi trên 1cm khả năng ra rất thấp.
Rất nhiều bệnh nhân bị sỏi đường tiết niệu có tâm lý e ngại bệnh viện, sợ mổ, sợ phải can thiệp ngoại khoa, sợ tốn kém… vì vậy, mà chần chừ không điều trị ngay, thậm chí bệnh nhân không tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ mà tự ý dùng thuốc đông y để điều trị bệnh. Việc tự ý uống thuốc nam là nguy hiểm, đặc biệt đối với bệnh nhân cơ đại kém, sỏi tiết niệu có biến chứng suy thận.
Hiện nay việc sử dụng thuốc nam không rõ nguồn gốc, kèm theo việc bảo quản, sao tẩm thuốc rất có thể chứa nhiều hóa chất độc hại dễ khiến tình trạng suy thận thêm nặng nề. Gần như 100% bệnh nhân suy thận nặng nhập viện điều trị là tự ý dùng thuốc và dùng thuốc nam không rõ nguồn gốc. Đa phần thuốc nam sẽ chỉ có tác dụng lợi tiểu, mát cơ thể và không thể có hiệu quả đối với những khối sỏi lớn
Khi bệnh nhân bị sỏi tiết niệu thì việc đầu tiên cần làm là đi khám để biết sỏi ở mức độ nào, kích thước bao nhiêu, nằm ở vị trí nào và có gây nên biến chứng cho người bệnh hay không. Một số biến chứng cấp tính hay gặp là các cơn đau quặn thận cấp, đái ra máu đại thể, nhiễm trùng, viêm bể thận cấp gây ứ mủ ở thận. Các biến chứng mạn tính khác như gây tình trạng suy thận, hay gặp nhất là suy thận do tắc nghẽn đường dẫn nước tiểu từ thận xuống bàng quang.
Hiện nay, Trung tâm Y tế huyện Yên Lập đã ứng dụng các phương pháp tiên tiến để điều trị dứt điểm sỏi hệ tiết niệu cho người bệnh, ít xâm lấn và ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh, bao gồm:
– Tán sỏi ngoài cơ thể: Áp dụng khi sỏi thận < 2cm, sỏi niệu quản < 1cm, chức năng thận còn tốt, lưu thông bể thận niệu quản bình thường, không có bệnh lý ở thận như u thận… Với phương pháp này có thể điều trị được tới 60% sỏi cần can thiệp.
– Tán sỏi qua nội soi niệu quản: Áp dụng khi sỏi < 1cm, chức năng thận còn tốt. Phương pháp này điều trị được 10% sỏi cần can thiệp.
– Tán sỏi qua da: Áp dụng với sỏi san hô, sỏi thận hay sỏi 1/3 trên niệu quản có kèm dị dạng đường tiết niệu. Phương pháp này điều trị được 10% sỏi cần can thiệp.
– Tán sỏi nội soi ống mềm: Áp dụng với Sỏi đài bể thận ≤ 3cm đơn thuần, phối hợp, 1/nhiều viên, Sỏi đài thận nhỏ hoặc ở vị trí khó tiếp cận PCNL, ESWL, Sỏi niệu quản trên di chuyển vào thận, trong trường hợp PCNL khó tiếp cận hoặc trong trường hợp mở bể thận kết hợp ống soi mềm lấy sạch sỏi. Sỏi niệu quản đoạn cao chỉ định tán sỏi bằng ống soi mềm một thì.
– Nội soi sau phúc mạc lấy sỏi: Áp dụng với những loại sỏi kích thước to >1cm, hoặc khi điều trị bằng các phương pháp trên thất bại. Phương pháp này điều trị được 10% sỏi cần can thiệp.
Trung tâm Y tế huyện Yên Lập khuyến cáo người bệnh khi có những dấu hiệu bệnh, không nên tự điều trị, không tự uống thuốc mà hãy đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được bác sĩ thăm khám, tư vấn và chẩn đoán điều trị phù hợp. Đồng thời, người dân cần đi khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần để tầm soát, phòng ngừa bệnh cũng như phát hiện sỏi thận tái phát hoặc các biến chứng, di chứng sau can thiệp điều trị sỏi.