Xét nghiệm máu đánh giá chức năng gan là xét nghiệm phổ biến bởi hiện nay tỷ lệ mắc bệnh gan tăng cao. Vậy mục đích của các xét nghiệm máu về gan là gì, các chỉ số xét nghiệm máu về gan thường dùng gồm những chỉ số nào?
Tóm tắt nội dung
1. Mục đích của các xét nghiệm máu về gan
Gan có chức năng và đóng vai trò quan trọng đối với cơ thể. Cũng như nhiều cơ quan nội tạng khác, khi gan bị tổn thương hoặc có vấn đề bất thường, sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe. Lúc này, thăm khám và thực hiện các xét nghiệm máu về gan được chỉ định nhằm mục đích:
- Đánh giá khả năng làm việc của gan hay đánh giá chức năng gan.
- Phát hiện và theo dõi những tổn thương ở gan.
- Chẩn đoán xác định nguyên nhân gây ra các vấn đề ở gan, từ đó đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.
- Theo dõi việc điều trị bệnh gan có hiệu quả không.
- Tầm soát phát hiện xơ gan, ung thư gan.
Tuy nhiên, người bệnh không được tự ý thực hiện các xét nghiệm máu về gan mà phải được bác sĩ chỉ định sau khi thăm khám, nhằm xác định nguyên nhân gây bệnh.
2. Các chỉ số xét nghiệm máu về gan
Các chỉ số xét nghiệm máu về gan gồm có: chỉ số Bilirubin, các chỉ số men gan (AST, ALT, ALP, GGT), chỉ số Albumin và chỉ số tiểu cầu.
2.1. Bilirubin – Chỉ số xét nghiệm máu đánh giá chức năng gan
Chỉ số Bilirubin là một trong các xét nghiệm máu về gan không thể bỏ qua, vì nó cho thấy mức độ gan bị tổn thương. Huyết sắc tố hemoglobin trong máu sẽ chuyển hóa thành Bilirubin trong quá trình tái tạo tế bào hồng cầu già. Do đó, khi nồng độ Bilirubin tăng cao hơn giá trị bình thường, người bệnh sẽ có biểu hiện vàng da và mắt, đi tiểu sẫm màu.

Giá trị Bilirubin toàn phần bình thường nằm trong khoảng 0,8 – 1,2 mg/dL (tương đương với 5 – 17 mmol/L). Bilirubin trực tiếp sẽ chênh lệch trong khoảng 0,2 – 0,4 mg/dL và gián tiếp là 0,6 – 0,8mg/dL. Chỉ số xét nghiệm máu đánh giá chức năng gan Bilirubin toàn phần là trên 2,5mg/dL ở bệnh nhân có dấu hiệu vàng da.
- Bilirubin trực tiếp tăng: Chẩn đoán bệnh sỏi mật, tắc nghẽn mật, khối u chèn ép đường mật, …
- Bilirubin gián tiếp tăng: Chẩn đoán hội chứng tan máu hoặc Gilbert.
2.2. Các chỉ số men gan
Các chỉ số xét nghiệm đo lường men gan gồm có AST, ALT, ALP và GGT, cho phép kiểm tra sức khỏe của gan.
- AST (Aspartate Transaminase): AST bình thường dưới 37 UI/L. AST tăng nghĩa là tế bào gan bị phá hủy, viêm gan, viêm gan mãn tính khi AST tăng cao 20 lần.
- ALT (Alanine Transaminase): ALT bình thường là dưới 40 UI/L. Tương tự như AST, ALT tăng cao nghĩa là tế bào gan đang bị phá hủy. Tuy nhiên, so với AST thì đây là chỉ số nhạy và đặc hiệu trong chẩn đoán bệnh lý xơ gan, viêm gan do rượu.
- ALP (Alkaline Phosphatase): ALP bình thường nằm trong khoảng 53 – 128 UI/L. Đây cũng là một chỉ số cho biết tình trạng men gan quan trọng. Khi ALP tăng nghĩa là có dấu hiệu viêm gan, tuy nhiên có nhiều mức độ tăng khác nhau. Nếu ALP tăng nhẹ và vừa (gấp 2 lần so với giá trị bình thường) cho phép chẩn đoán viêm gan, xơ gan, bệnh lý ác tính di căn đến gan. Nếu ALP tăng cao (gấp từ 3 đến 10 lần so với giá trị bình thường) cho phép chẩn đoán tắc mật. Lưu ý, giá trị bình thường của ALP tùy thuộc vào các yếu tố bao gồm giới tính, độ tuổi và nhóm máu. Kho chỉ chẩn đoán gan, chỉ số này còn đánh giá những tổn thương ở xương, tim mạch, u thận, bệnh truyền nhiễm hay suy dinh dưỡng.
- GGT (Gamma – Glutamyl Transferase): GGT bình thường nằm trong khoảng 20 – 40 UI/L. Khi một trong những chỉ số men gan là GGT tăng, nghĩa là gan bị tổn thương như viêm gan do virus, xơ gan do rượu, bia, tắc nghẽn ống mật, ung thư di căn đến gan, … Trong các chỉ số, GGT là chỉ số minh chứng mắc phải các bệnh lý về gan và đường mật.
2.3. Tiểu cầu – Chỉ số xét nghiệm máu đánh giá chức năng gan
Xét nghiệm tiểu cầu cũng là một trong những xét nghiệm quan trọng trong xét nghiệm máu về gan không thể bỏ qua. Bởi vì gan thực hiện chức năng sản xuất protein phục vụ quá trình đông máu nên xét nghiệm tiểu cầu nhằm mục đích xác định tình trạng đông máu và đo lường lượng protein hỗ trợ đông máu.
Giá trị tiểu cầu bình thường: 150 – 450 x 103/microlit. Khi chức năng gan bị suy giảm, gan không thể cung cấp đủ protein và làm quá trình đông máu diễn ra chậm hơn, lượng tiểu cầu cũng sẽ giảm.
2.4. Albumin – Chỉ số xét nghiệm máu đánh giá chức năng gan
Albumin chiếm từ 60 đến 80% tổng lượng protein trong cơ thể và là một thành phần protein quan trọng. Giá trị Albumin bình thường nằm trong khoảng từ 28 – 54g/L. Khi chỉ số này giảm nghĩa là chức năng gan bị suy giảm, mắc bệnh gan mãn tính hoặc bị xơ gan. Ngoài ra, tình trạng dinh dưỡng của cơ thể cũng đang rất kém.

3. Cần lưu ý gì trước khi thực hiện các xét nghiệm máu về gan
Các chỉ số xét nghiệm máu về gan là cơ sở quan trọng đưa ra chẩn đoán. Vì vậy, để không ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm gan, cần lưu ý:
- Nhịn ăn từ 4 – 6 tiếng trước khi xét nghiệm, chỉ uống nước lọc.
- Không uống thuốc ít nhất 12 tiếng trước khi xét nghiệm để tránh thành phần thuốc ảnh hưởng đến kết quả.
- Không uống rượu bia, cà phê, hút thuốc, sử dụng các chất kích thích ít nhất 4 tiếng trước khi xét nghiệm vì có thể làm kết quả xét nghiệm bị sai lệch.
- Để có kết quả chính xác, nên làm xét nghiệm gan vào buổi sáng.
Khi thấy có biểu hiện bất thường về gan như vàng da, vàng mắt, cơ thể mệt mỏi, ăn uống kém, nước tiểu sẫm màu, … người bệnh cần đến các cơ sở y tế để được thăm khám, kiểm tra và làm các xét nghiệm máu đánh giá chức năng gan.